You are currently viewing Dập thẳng trong sản xuất viên nén

Dập thẳng trong sản xuất viên nén

Viên nén là dạng bào chế rắn được sử dụng rộng rãi nhất và cần đáp ứng một số yêu cầu về đặc tính vật lý như độ cứng, độ rã, độ bền và đồng đều khối lượng, hàm lượng. Để đáp ứng đặc điểm của viên nén phù hợp với các thành phần đã chọn, các nhà sản xuất có thể sử dụng ba công nghệ dập viên khác nhau như dập thẳng (dập viên trực tiếp), xát hạt khô và xát hạt ướt.

ĐẠI CƯƠNG VỀ DẬP THẲNG

Hầu hết các dược chất cần phối trộn với tá dược để xát hạt trước khi dập viên. Ngày nay, trong công nghiệp dược, có nhiều nhà sản xuất bào chế sẵn các tá dược đa năng cùng sự ra đời của các thiết bị dập viên hiện đại giúp có thể dập viên trực tiếp, chỉ cần trộn đều hỗn hợp ở trạng thái khô và nén viên mà không cần xát hạt hay điều chỉnh các đặc tính vật lý.

Dập thẳng (Dập trực tiếp) trong sản xuất viên nén

Phương pháp dập trực tiếp trước đây được hiểu là dập đơn chất. Do đó chỉ sử dụng cho những dược chất có tính trơn chảy và chịu nén tốt như muối kali (chlorate, chlorid, bromid, iodid, nitrat và permanganat), amoni chlorid, amoni bromid, natri chlorid, natri tetraborat, kẽm sulfat, urotropin, pancreatin và methenamin…

Ngày nay, dập trực tiếp được hiểu là phương pháp dập viên không qua giai đoạn xát hạt. Dập viên trực tiếp là quy trình dập viên đơn giản, dễ kiểm soát và ít tốn kém nhất. Dập trực tiếp chỉ gồm hai bước chính là trộn khô và dập viên.

Phương pháp xát hạt ướt có thêm 4 bước khác như: trộn ướt, xát hạt, sấy khô, rây sửa hạt. Mỗi bước đó không chỉ đòi hỏi phải có thêm các thiết bị, máy móc, không gian, nhân lực, chi phí mà còn có nguy cơ nhiễm chéo và gây hao hụt sản phẩm…

QUY TRÌNH DẬP THẲNG

Quy trình dập thẳng

ƯU ĐIỂM DẬP THẲNG

  1. Quy trình đơn giản giúp tiết kiệm chi phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và tiết kiệm nhân lực cũng như thời gian sản xuất.
  2. Tiết kiệm chi phí nghiên cứu sản phẩm, thẩm định máy móc, quy trình sản xuất và chi phí kiểm nghiệm.
  3. Tăng tính đồng nhất giữa các lô vì quy trình sản xuất gồm ít bước hơn.
  4. Hạn chế nhiễm chéo và hao hụt sản phẩm.
  5. Tốc độ phóng thích dược chất ít thay đổi theo thời gian bảo quản.
  6. Tăng độ ổn định cho sản phẩm.
  7. Ít gây hư hỏng dược chất, áp dụng được cho cả các hoạt chất dễ bị phá hủy bởi nhiệt và ẩm hay nhạy cảm với dung môi.

NHƯỢC ĐIỂM DẬP THẲNG

  1. Phạm vi ứng dụng hạn chế, khó áp dụng viên có hàm lượng dược chất quá cao hay quá thấp.
  2. Tá dược mắc tiền hơn và phải đáp ứng một số yêu cầu kỹ thuật.

VẤN ĐỀ KỸ THUẬT CẦN LƯU Ý

Mặc dù có rất nhiều ưu điểm nhưng công nghệ dập thẳng chưa được ứng dụng rộng rãi do cần lưu ý các yếu tố kỹ thuật như:

  • Dược chất dập thẳng có thể là dạng kết tinh tinh thể lớn (Vitamin C, NaCl, KMnO4), dạng hình thể nhất định (aspirin) hoặc dạng xát hạt sẵn.
  • Kích thước hạt 100-600 µm sẽ cho viên có độ cứng tốt.
  • Dược chất dập thẳng cần có độ trơn chảy, tính chịu nén, tính kết dính tốt. Khi bản thân dược chất không thể dập trực tiếp cần thêm tá dược để độn hoặc cải thiện tính dính, rã, trơn chảy, tính chịu nén của khối bột (dược chất và tá dược).
  • Dược chất được nghiền mịn giúp sự trộn đều dễ dàng hơn, đảm bảo dược chất được phân bố đồng đều trong khối bột ở giai đoạn trộn khô (đặc biệt với viên có hàm lượng thấp) và tăng tốc độ hòa tan cũng như sinh khả dụng của thuốc.
  • Tá dược dùng trong phương pháp dập thẳng phải là loại tá dược đa chức năng, ít nhất phải bao gồm chức năng chính là độn, dính, rã, một số tá dược dập thẳng có thêm chức năng trơn. Ví dụ các tá dược với tính dính, trơn chảy cao như dicalciphosphat,  Avicel và các dẫn chất cellulose, dẫn chất của tinh bột, lactose phun sấy, maltose kết tinh…
  • Tá dược có tỷ trọng và kích thước gần với dược chất để ngăn ngừa hiện tượng tách lớp của dược chất ở các giai đoạn sau khi trộn dẫn đến không đồng đều hàm lượng
  • Tá dược màu không tan dạng siêu mịn thường được chọn vì giúp phối trộn đồng đều hơn
  • Lượng tá dược trơn sử dụng và thời gian trộn cần được xác định cụ thể:
    • Ít tá dược trơn làm viên có sai số hàm lượng, khối lượng
    • Nhiều tá dược trơn làm viên có khuynh hướng mềm
    • Nên trộn trong 3-5 phút sau khi đã trộn tất cả các thành phần khác
Các tá dược thường sử dụng trong dập thẳng

KẾT  LUẬN

Ngày nay, dập viên trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp dược và đang trở thành xu hướng của công nghiệp dược hiện đại yêu cầu các NSX tối ưu và hiện đại hóa hóa quy trình sản xuất.

Sự ra đời của các dạng hoạt chất dập thẳng đã phối trộn sẵn tá dược đã giúp việc dập thẳng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.


Theo dõi Dora CosmePharm trên Facebook để nhận ngay bài viết mới nhé!